Thiết kế nhà: chọn miễn phí hay trả phí?
Thiết kế nhà cửa xuất hiện ở Việt Nam tương đối muộn so với các nước tiên tiến khác.
Trước khi có người kiến trúc sư, người dân nước ta giao phó việc thiết kế, xây dựng chỗ ở của mình cho các tốp thợ. Mô hình này hiện vẫn còn tồn tại không chỉ ở những vùng sâu vùng xa mà ngay cả ở các thành phố lớn. Những tốp thợ cũng tự mình trang bị thêm kiến thức và thiết bị để đáp ứng kịp với đòi hỏi của cuộc sống. Một ví dụ điển hình là các tốp thợ hiện nay cũng đã quen thuộc với việc tính toán và xây dựng nhà theo kết cấu bê-tông cốt thép. Dựa trên kinh nghiệm, những ông thợ cả có thể xây dựng các không gian vừa phải (thường với các khẩu độ nhỏ hơn 4m) một cách khá tốt. Mặt khác, hình thức cư trú trong một vùng, miền thường khá giống nhau cộng với khả năng kinh tế, diện tích đất được chia cũng na ná nhau nên việc xây dựng không cần thiết kế càng có điều kiện phát triển bởi chưa có bất cập gì lớn. Thêm vào đó, đội ngũ thiết kế thường chỉ tập trung ở các khu vực đông dân, phát triển cao nên người dân ở những vùng còn kém phát triển càng không có điều kiện được hưởng dịch vụ thiết kế của người kiến trúc sư. Chi phí cho việc thiết kế một ngôi nhà cũng khá lớn (thường từ 2-3% tổng giá thành xây dựng) cũng là một trở ngại cho người dân thu nhập chưa cao.
Nói như vậy để thấy thực tế tình hình thiết kế nhà cửa chứ không có nghĩa là người xây nhà không cần có thiết kế. Cần phải khẳng định việc xây nhà có thiết kế, đặc biệt là thiết kế tốt, phù hợp với nhu cầu và khả năng của chủ nhà bao giờ cũng tiết kiệm hơn việc xây không theo thiết kế. Cái lợi đầu tiên là các không gian chức năng sẽ được bố trí đẹp, hợp lý. Việc có thiết kế với các thông số, bản vẽ rõ ràng còn giúp việc thi công xây dựng có căn cứ, tránh nhầm lẫn dẫn đến lãng phí; và còn nhiều cái lợi khác.
Trong ngành kiến trúc, xây dựng còn tồn tại một khái niệm nữa là thiết kế điển hình. Điều này có thể hiểu nôm na như trong dệt may có quần áo may sẵn và quần áo may đo. Các khu chung cư là một ví dụ về kiểu thiết kế điển hình rồi nhân lên nhiều tòa nhà giống nhau. Cách làm này không đáp ứng nhu cầu sống rất phong phú, khác nhau của mỗi gia đình nhưng có một lợi thế là chi phí thiết kế rất thấp, có thể là miễn phí.
Việc sử dụng thiết kế điển hình cũng giống như một gia đình đang còn phải phấn đấu cho ăn no – mặc ấm. Với sự phát triển mỗi ngày về mọi mặt của xã hội và từng cá nhân, từ ăn no- mặc ấm sẽ dần chuyển thành ăn ngon – mặc đẹp. Khi đó các thiết kế đặc thù, phù hợp cho từng gia đình sẽ được dùng đến.
Vậy chọn sử dụng thiết kế điển hình miễn phí hay thiết kế riêng có trả phí là tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng của từng người.