Cầu thang, vệ sinh

Thiết kế cầu thang cần đạt một số tiêu chuẩn, tiện nghi nhất định như:

  • Mặt bậc nên đạt tối thiểu 24cm (tối đa cũng chỉ nên là 28cm do liên quan đến nhịp bước chân), chiều cao bậc từ 18cm-24cm (độ dốc 45 độ nên được cho là tối đa để đảm bảo lên cầu thang không quá dốc – Tuy nhiên thang chỉ lên 1 tầng mà diện tích hạn chế thì có thể ‘chịu khổ’ chút ít).
  • Chiều rộng một vế thang nên đạt 80-90cm để 2 người lên xuống tránh được nhau hoặc bưng bê đồ đạc còn lọt)
  • Tay vịn, lan can cầu thang nên làm đơn giản, nhẹ nhàng. Khuyến khích dùng chi tiết bằng kim loại (thép hộp, thép hình) tạo hình đơn giản và sơn màu để giảm nhu cầu sử dụng gỗ trong cầu thang. Nhà có (hoặc sắp có) trẻ nhỏ nên lưu ý làm lan can có độ nhặt đảm bảo trẻ không rơi, lọt để tránh tai nạn đáng tiếc. Chú ý không làm chi tiết tạo thành bậc thang để trẻ có thể leo trèo.  

Cầu thang có thể có nhiều hình thức, vật liệu rất phong phú:

  • Thang bản dốc BTCT, bậc xây gạch, mặt bậc ốp đá hoặc trát granito mài
  • Thang bậc BTCT rời ‘cắm’ vào tường
  • Thang xương thép hình, mặt bậc gỗ hoặc BTCT hoặc granito lắp ghép
  • Nên lưu ý khi đi xuống dễ xảy ra trơn trượt, cần làm chống trượt ở mép bậc thang bằng hạt chống trượt trộn vào vật liệu làm mặt bậc (một số loại gạch lát chuyên dụng cho mặt cầu thang có chi tiết này sẵn)

Khu vệ sinh cần có các vật dụng, chức năng cơ bản:

  • Xí (nếu dùng riêng gia đình có thể chọn xí bệt, nếu còn dùng chung với khách nên chọn loại xí xổm)
  • Tắm (có điều kiện thì trang bị bồn tắm, ưu tiên bồn composit để giảm việc sản xuất vật liệu nung gây ô nhiễm môi trường) ô tắm đứng. Góc bố trí để tắm nên riêng biệt trong phòng vệ sinh, có ri-đô vải nhựa hoặc kính ngăn nước tắm làm ướt các khu vực khác trong phòng vệ sinh.
  • Các bộ phận khác như gương, ngăn để đồ vệ sinh (kết hợp dưới chân chậu rửa tay, rửa mặt) và chậu rửa.

Quay về trang chính