Thiết kế – xây nhà thế nào cho đỡ tốn?
Làm ruộng thì ra, làm nhà thì tốn…vậy phải làm nhà thế nào cho đỡ tốn?
- Nếu có 100, chỉ nên xây nhà khoảng 80 thôi, tiền còn lại để phòng việc đội giá xây dựng và làm vốn sản xuất kinh doanh
- Nhà xây 80 nhưng phải tính toán để có thể mở rộng hoặc lên thêm tầng về sau khi có thêm tiền, thêm nhu cầu sử dụng
- Khi đã bắt đầu xây dựng, phải tuân theo kế hoạch ban đầu thật nghiêm, không nghe các lời khuyên cố làm thêm cái này, cái khác, kể cả được cho vay vì mình là người trả nợ, không phải người khuyên.
Lên kế hoạch thế nào:
- Hỏi các nhà mới xây gần đó xem xây hết bao nhiêu tiền để tính giá xây dựng 1m2. Hỏi giá VLXD, công thợ hiện nay để có được giá xây dựng 1m2 sát thực tế nhất. VD nhà xây năm ngoái hết 1 triệu /m2, năm nay giá VLXD và nhân công đều đắt thêm 5%, vậy xây 1m2 nhà năm nay sẽ hết 1triệu 50 nghìn.
- Bỏ 80 triệu ra xây nhà, vậy sẽ xây được khoảng 75 m2. Chỉ 8/10 diện tích này có thể xây thành phòng, 2/10 còn lại để dành cho lối đi, vệ sinh… nên chỉ 60 m2 cho chia phòng; mỗi phòng nên có diện tích trong khoảng 12-15 m2, vậy có thể xây được 4-5 phòng (gồm khách, bếp, ngủ).
- So sánh với nhu cầu sử dụng của gia đình để quyết định xây to, rộng bao nhiêu cho vừa túi tiền đang có. Nếu nhà có 4 người thì chỉ cần 2-3 phòng ngủ + 1 bếp + 1 khách. Thêm ông bà ở chung nữa thì cần thêm 1-2 phòng, hoặc ông bà có thể ở cùng với cháu nhỏ, khi cháu lớn thì đã có thêm tiền để xây buồng riêng.
- Bắt đầu thiết kế cụ thể.
Thiết kế thế nào:
Nếu không có điều kiện thuê người thiết kế, có thể tham khảo các mẫu thiết kế có sẵn, miễn phí rồi điều chỉnh chút ít cho hợp với nhà mình. Các nguyên tắc:
- Móng nhà nên đầu tư cho cả nhu cầu về sau vì khi xây thêm phòng, lên tầng thì không phải làm lại móng đỡ tốn kém. Tiền làm móng thường chiếm 3/10 tổng tiền làm nhà.
- Kiểu cách trang trí nên đơn giản, khiêm tốn. Công thợ trang trí gờ phào, hoa văn đắt hơn công xây thường rất nhiều nên nếu đơn giản được sẽ tiết kiệm được tiền công. Cần nhớ là nhà đẹp là do các bộ phận hài hòa với nhau, chứ không do nhiều chi tiết hoa văn. Như một ngôi nhà xây lên không cân đối, cao lênh khênh hoặc lệch kiểu nặng bồng nhẹ tếch rồi thì có trang trí bao nhiêu cũng vẫn khó đẹp lên được. Ví dụ nhà rộng ngang có 3m mà làm tầng cao 4-5m sẽ rất xấu chỉ nên 3,3-3,6m là vừa. Ban công dài khắp mặt nhà hoặc nhô ra quá xa ( hơn 1,2m) cũng khó đẹp.
- Tận dụng tối đa ánh sáng trời, gió trời cho các phòng ngủ, bếp. Cầu thang, hành lang, nhà vệ sinh có thể kém sáng, kém thoáng hơn một chút nếu không có điều kiện đất đai (ví dụ giáp nhà hàng xóm).
- Chiều cao tầng nhà nên làm trong khoảng 3,3-4,5m vừa đủ thông thoáng và tiết kiệm VLXD.
- Kích thước phòng ngủ, khách, bếp nên trong khoảng 12-15 m2 (hay rộng 3,3m x 3,6 – 4,5 m dài; chiều hẹp nhất của phòng tối thiểu nên để 3,3 m cho dễ kê đồ)
- Cửa sổ và cửa đi nên có kích thước hợp lý, to quá thì tốn tiền (giá tiền làm cửa gỗ chiếm đến 3/10 toàn bộ tiền xây nhà), khó kê đồ đạc, nhà dễ bị mưa hắt, nắng rọi… cân nhắc:
- Cửa sổ nên làm 2 cánh rộng tổng cộng 90cm – 1,2m, cao khoảng 1,2-1,5m;
- Cửa ra vào chính chỉ nên làm 2 cánh rộng 1,2-1,5m, cửa vào các phòng chỉ cần rộng 70cm-90cm;
- Vật liệu làm cửa nên chọn các loại bằng gỗ công nghiệp, nhôm – kính hoặc nhựa để giảm chi phí, lại không tốn gỗ, giảm phá rừng.
- Nếu có điều kiện mua các loại cửa công nghiệp làm sẵn thì nên cân nhắc vì giá sẽ hạ hơn, mẫu mã chủng loại vật liệu cũng phong phú để lựa chọn.
- Gạch xây tăng cường sử dụng gạch không nung (để giúp bảo vệ môi trường) như gạch silicat, gạch bê tông nhẹ hoặc các vật liệu phổ biến tại địa phương như đá vôi, đá ong…
- Gạch lát sân và lối đi nên để đất tối đa nhằm mục đích hút nước mưa, nhiệt mùa nắng, lối đi lát gạch tự chèn hoặc các loại vật liệu cho phép nước mưa thấm qua, nền nhà có thể cân nhắc lát loại gạch không nung (như granito mài). Bậc thang có thể đặt loại granito nhà máy hoặc cho thợ thi công tại chỗ, kiểu mẫu và mầu sắc có thể theo ý thích.
- Bể phốt xây cùng với hầm bio-gas (nhất là hộ có chăn nuôi, chế biến thức ăn) để tái chế rác hữu cơ làm phân bón và chất đốt cho bếp.
- Bể nước nên có 2 loại, bể chứa nước mưa xây dưới thấp và bể cấp nước trên mái nhà, có thể cân nhắc các loại bể inox cho tiện lợi trong xây lắp và bảo dưỡng. Nên hạn chế sử dụng nước giếng khoan để bảo vệ mực nước ngầm, tránh sụt lún về sau này. Nước nóng cung cấp cho bếp và khu vệ sinh có thể cân nhắc sử dụng loại đốt bằng gas (nếu có làm hầm bio-gas) hoặc sử dụng máy nước nóng năng lượng mặt trời để được nhận hỗ trợ từ các chương trình tiết kiệm năng lượng.
- Mái nhà ngoài việc đổ mái bằng nên cân nhắc mái dốc lợp ngói để đỡ nắng nóng, dễ thoát nước mưa. Nên sử dụng ngói lợp không nung hoặc các loại vật liệu lợp mới. Cần làm máng thu nước mưa vào bể để tận dụng nguồn nước sạch này.
- Đường dây điện nên đi trong ống gen, không nên đi ngầm trong tường do khó sửa chữa về sau. Bóng đèn chiếu sáng và thiết bị điện gia dụng sử dụng loại tiết kiệm điện năng.
- Đồ nội thất là một khoản chi rất khó kiểm soát do giá cả và sở thích của người dùng rất phong phú. Cần nhớ là đồ nội thất có thể mua sắm dần dần sau khi đã làm xong nhà để tránh số tiền đầu tư ban đầu quá lớn. Do mua sắm dần nên phải có kế hoạch để mua đồ cho hài hòa, đồng bộ. Nên mua các loại đồ nội thất bằng vật liệu nhân tạo hoặc sản phẩm công nghiệp để giảm việc sử dụng gỗ tự nhiên, góp phần bảo vệ môi trường.
- Một nguyên tắc cơ bản trong chọn lựa vật liệu, cấu kiện trong nhà là phải hài hòa, đồng bộ với nhau. Hài hòa nghĩa là mọi bộ phận có cùng phẩm cấp, ví như nhà chất lượng trung bình nhưng cửa và gạch lát sử dụng vật liệu quá đắt tiền hoặc dồn phần lớn tiền vào việc trang trí bên ngoài nhà mà để bên trong sơ sài, bất tiện thì không gọi là hài hòa. Còn đồng bộ nghĩa là các bộ phận làm việc hỗ trợ được cho nhau, ví dụ như tường, mái cách nhiệt tốt thì hỗ trợ cho việc làm mát, giữ ấm, đỡ tốn điện.
- Cần có ý thức bảo vệ môi trường sống cho chính mình và cả cho xã hội. Không nên chọn loại vật liệu rẻ tiền nhưng lại có hại cho sức khỏe. Hạn chế bớt các loại vật liệu nung (vì để sản xuất ra loại này sẽ làm tổn hại môi trường), vật liệu từ gỗ tự nhiên (vì khuyến khích chặt phá rừng). Tăng việc sử dụng các vật liệu mới thân thiện với môi trường, vật liệu sẵn có ở địa phương.
Một số mẫu nhà cho các vùng:
- Đồng bằng Bắc bộ
- Đồng bằng (ven biển) Trung bộ
- Đồng bằng Nam bộ
- Miền núi trung du Bắc bộ
- Miền núi trung du Trung bộ
- Ven biển
- Vùng lũ lụt
Tài liệu tham khảo