Các nguồn năng lượng sạch

Năng lượng điện cần cho cuộc sống hàng ngày hiện nay được sản xuất từ hai nguồn chính: thủy điện và nhiệt điện. Thủy điện ngoài các lợi ích về điều tiết nước mùa khô, mùa lũ lại có nhược điểm đầu tư xây dựng lớn, gây xáo trộn chỗ định cư của cư dân nơi làm hồ thủy điện. Nguy hiểm nhất là thủy điện làm thay đổi hệ sinh thái của một vùng rộng lớn, gây nên những tác hại chậm nhưng khó khắc phục cho môi trường sống của con người. Ngoài năng lượng điện con người cần dùng thêm xăng, dầu, khí đốt và than để chạy xe cộ, đun nấu và làm nhiên liệu cho nhiệt điện. Việc đốt nhiên liệu hóa thạch như vậy làm phát thải khí CO2, gây nên hiệu ứng nhà kính dẫn tới việc biến đổi khí hậu với các hậu quả lớn về sau như nước biển dâng v.v.

Các nước tiên tiến trên thế giới đã nghiêm túc nghiên cứu các nguồn năng lượng sạch, tức không gây hại cho môi trường, để bảo vệ môi trường sống. Ở đoạn phim tài liệu dưới đây, ta thấy nước Đức đã nghiên cứu, thử nghiệm hàng loạt nguồn năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, năng lượng gió và năng lượng sinh khối (solar + wind + biogas). Có thể thấy họ đã nghiên cứu một cách bài bản, hệ thống trên quy mô lớn nhằm đạt tới mục tiêu dùng năng lượng sạch thay thế cho năng lượng truyền thống. Các nhà khoa học đã nghiên cứu để khắc phục nhược điểm của các dạng năng lượng này như sự phụ thuộc vào thời tiết, cách trữ năng lượng này khi chưa dùng hết tải v.v.

Với điều kiện nước ta, có lẽ còn lâu nữa chúng ta mới có thể quan tâm đến vấn đề này một cách bài bản, hệ thống trên quy mô lớn như nước Đức đang làm. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể áp dụng dần ở quy mô nhỏ, từng hộ gia đình hoặc nhóm hộ gia đình. Thay vì từng gia đình làm riêng rẽ, các hộ trong một thôn xã có thể hợp tác với nhau cùng làm chung hầm biogas, máy nước nóng năng lượng mặt trời thậm chí là tua bin phát điện chạy bằng sức gió. Nhiều hộ cùng làm thì vốn đầu tư chia bình quân sẽ giảm đi, việc sử dụng hết công suất cũng dễ thực hiện hơn các hộ làm đơn lẻ.

Architect - Urban planner - Development Specialist