Đắp đê hay sống chung với lũ?

Đắp đê ngăn triều cường ở TP Hồ Chí MinhMấy hôm nay đài báo đưa tin nhiều về tình hình triều cường ở TP Hồ Chí Minh, và một số ý kiến đã nêu vấn đề đắp đê để ngăn nước ngập. Đắp đê? tất nhiên không phải là một con đê to bằng đất như ông cha ta đã làm trước đây, mà sẽ là một bức tường bằng bê tông, như đoạn đê qua nội thành Hà Nội. Nhưng dù to hay nhỏ, đấy sẽ vẫn là con đê ngăn không cho nước vào khu dân cư nữa. Vậy đắp đê có phải là giải pháp tốt nhất?

Xét về mặt vấn đề – giải quyết thì việc đắp đê có vẻ không cần bàn nhiều, bởi bị nước ngập thì đắp đê ngăn lại, đơn giản vậy thôi. Thực ra chuyện không đơn giản như vậy. Nếu chỉ nhìn bó hẹp trong phạm vi khu vực mình sinh sống, thì giải quyết được vấn đề của mình có thể lại làm ảnh hưởng xấu đến khu vực khác, nơi sinh sống của người khác. Cách giải quyết vấn đề như vậy khó được chấp nhận trong xã hội ngày nay, khi tiếng nói, vai trò của các cộng đồng dân cư đã lớn hơn. Ví dụ như đắp đế ngăn lũ lụt cho nội thành nhưng lại làm ngập các vùng đất nông nghiệp của ngoại thành, liệu người dân ngoại thành có chịu ngồi yên? Chắc chắn họ sẽ phản ứng lại, trực tiếp hoặc gián tiếp. Nếu không còn kế sinh nhai, họ sẽ tìm cách chuyển vào nội thành sinh sống, làm tăng gánh nặng cho hạ tầng vốn đã bị quá tải của thành phố, rồi lại làm vấn đề thoát nước trầm trọng thêm, lại lụt nặng thêm. Cứ thế vòng luẩn quẩn ngày càng nặng nề hơn. Trên đây chỉ là một ví dụ đơn giản cho thấy bất cứ một giải pháp nào cũng cần cân nhắc xa – gần, không thể suy nghĩ đơn giản, bó hẹp được.

Về vấn đề ngập nước, nếu không đắp đê thì có thể làm gì khác? Có nhiều ý kiến cho rằng nên sống chung với nước lụt hơn là chế ngự nó theo kiểu đắp đê. Muốn làm được thế cũng không đơn giản, mọi thứ sẽ phải tính toán, thiết kế và xây dựng sao cho chung sống được với nước lụt. Ví dụ như nền nhà cần cao hơn, hệ thống thoát nước phải tốt hơn, nước và rác thải cần cách ly được với nước lụt để tránh gây ô nhiễm trong mùa lụt (như thế nào?) rồi các công trình cấp điện, cấp nước, đường giao thông cũng phải thay đổi để thích ứng với thời gian lụt của năm. Ngay cả cây xanh cũng cần chọn lựa loại cây không bị chết nếu bị ngập nhiều ngày.

Tóm lại nếu xác định sống chung với nước lũ chứ không chống lại nó, toàn bộ kết cấu hạ tầng và cuộc sống của người dân cần được nghiên cứu, hoạch định dần đề sau một thời gian nữa, chúng ta không phải nghe các thông tin thiệt hại nặng nề do nước lụt gây ra nữa.

Chung sống với thiên nhiên có lẽ vẫn là giải pháp an toàn, bền vững vì con người vẫn còn quá nhỏ bé so với sức mạnh của thiên nhiên. Còn lâu lắm (có lẽ là không bào giờ) mới tới lúc con người ‘làm chủ’ được thiên nhiên.

Architect - Urban planner - Development Specialist