Xử lý nước thải – thoát nước mưa

Nước là một trong những tài nguyên quan trọng cho cuộc sống của con người. Có lẽ chúng ta ít cảm nhận được tầm quan trọng của nước do hàng ngày ta vẫn có (khá) đủ nước để dùng mà không phải trả tiền (như ở vùng nông thôn) hoặc mới chỉ phải trả một số tiền khá nhỏ so với các chi tiêu khác của cuộc sống thường ngày. Chi phí dùng nước sạch của một hộ gia đình ở thành phố chỉ tương đương với một vài bữa ăn của cả gia đình. Tuy hiện nay dùng nước rẻ như vậy, chúng ta vẫn cần phải quan tâm bảo vệ nguồn nước từ bây giờ để dành cho các thế hệ mai sau.

Bên cạnh ý thức sử dụng nước tiết kiệm, ta cần quan tâm đến việc xử lý nước thải sinh hoạt và thoát nước mưa. Vấn đề xử lý nước thải sinh hoạt gắn liền với việc xây dựng bể phốt (hầm cầu) để xử lý chất thải từ nhà vệ sinh (phân và nước tiểu) một số gia đình còn có nước thải từ giặt giũ có nhiều chất tẩy rửa cũng được thải chung vào nhà vệ sinh. Nước thải từ tắm rửa, giặt giũ có nhiều hóa chất tẩy rửa (xà phòng tắm – giặt, dầu gội đầu…) khi thải ra cần tránh đưa vào ngăn chứa của bể phốt để không hủy hoại vi khuẩn làm nhiềm vụ phân hủy phân và nước tiểu.

Nước thoát từ bể phốt ra cần được dẫn vào hệ thống cống của cả khu, mạng lưới cống này dần tập trung về các cấp cống cao hơn để cuối cùng tập trung lại ở một nhà máy xử lý nước thải. Mạng lưới cống thoát nước thải này cần tách biệt với hệ thống thoát nước mưa, bở một điều rất đơn giản là nước mưa rất ít hoặc gần như không bị ô nhiễm nên không cần dẫn về nhà máy xử lý. Nếu không phân tách hai hệ thống này riêng biệt thì việc xử lý nước của nhà máy sẽ không hiệu quả. Mặt khác, ta đã lãng phí một lượng nước sạch khá lớn là nước mưa có thể sử dụng trực tiếp cho nhiều mục đích như xả nước bồn cầu, rửa xe cộ, máy móc hoặc làm nguyên liệu cho các trạm lọc – cung cấp nước sạch. Một đô thị lớn như Hà Nội hiện cũng chưa có được hai hệ thống thoát nước thải và nước mưa riêng biệt như thế này.

Sông Kim Ngưu - một trong hai con sông chính thoát nước thải cho Hà Nội vẫn phải làm nhiệm vụ thoát nước mưa đã nhiều lần tràn bờ trong các cơn mưa lớn

Với tốc độ đô thị hóa như hiện nay của cả nước, nếu như các đô thị mới cũng không quan tâm đến vấn đề này thì hậu quả cho nguồn nước sẽ vô cùng lớn, ảnh hưởng đến các thế hệ mai sau. Vậy ta có thể làm được gì để giảm thiểu tác hại của vấn đề này nếu chúng ta chưa thể thay đổi vấn đề liên quan đến phạm vi rộng như hệ thống thoát nước mưa – nước thải của cả một đô thị – cộng đồng dân cư lớn? Đơn giản là mỗi gia đình hãy cố gắng làm tốt các việc trong khả năng của mình, gồm:

  • Xây dựng bể phốt (hầm cầu) cho mỗi ngôi nhà xây mới,
  • Làm các chi tiết thu nước mưa từ sân, mái nhà để trữ vào bể dùng cho các mục đích phù hợp trong sinh hoạt như cấp nước cho khu vệ sinh, rửa xe cộ, chuồng trại chăn nuôi,
  • Sử dụng nước tiết kiệm (bồn cầu với hai chế độ xả nước, toàn bộ và một phần két nước v.v)

Nếu như mọi nhà cùng làm được những điều tưởng chừng đơn giản này, lợi ích cho đất nước, cho các thế hệ mai sau là rất lớn.

Architect - Urban planner - Development Specialist