Những điều nên làm, nên biết trước khi xây nhà
Ở nước ta, việc xây nhà vẫn mang tính tự phát do các gia đình tự tổ chức, quản lý lấy việc xây dựng cho mình một căn nhà. Mỗi ngôi nhà xây nên chính là một dự án mà người thực hiện cần nhiều kỹ năng như một chuyên gia quản lý dự án vậy (dù được diễn giải ra một cách nôm na), tức là cũng bao gồm công tác lên kế hoạch, chuẩn bị nguồn lực, triển khai công việc, giám sát quản lý v.v. Mỗi khâu nêu trên có tầm quan trọng khác nhau nhưng có thể nói công tác tìm hiểu thông tin và lên kế hoạch có tầm quan trọng đặc biệt, nếu không làm tốt sẽ dẫn đến hỏng các bước tiếp theo. Cụ thể trong việc xây nhà, nếu không tìm hiểu về thủ tục hành chính, xin phép, không có thiết kế, tính toán chi phí trước thì sẽ để lại hậu quả trong bước xây dựng như vướng mắc với chính quyền về pháp lý, lãng phí trong xây dựng do không có thiết kế v.v.
Thông thường việc xây nhà có thể thực hiện trên mảnh đất gia đình hiện đang sở hữu, hoặc phải tìm mua đất mới để xây căn nhà mới. Trong trường hợp sau, thói quen phổ biến là tìm mua mảnh đất vừa tiền rồi mới tính tiếp đến việc xây nhà như thế nào. Nếu không tính toán trước và tìm hiểu thông tin cụ thể mà dồn hết tiền mua đất, chưa có tiền xây nhà ngay thì có thể gặp rắc rối nếu mảnh đất có quy hoạch yêu cầu xây theo một quy mô đã được định rõ trong quy hoạch, việc chậm trễ trong xây dựng có thể dẫn tới các vấn đề về phạt hành chính nữa. Còn nếu buộc phải vay mượn để có thể xây nhà thì sẽ dẫn tới gánh nặng nợ nần chưa mong muốn, ảnh hưởng đến mọi tính toán, kế hoạch tài chính của gia đình.
Sổ tay xin tổng hợp một số điểm cần biết, cần làm trước khi tiến hành xây nhà như sau:
- Trước tiên là kế hoạch về vốn, cần tổng hợp mọi nguồn lực tài chính có thể như tiền để dành được (tiết kiệm), các khoản vay mượn, lãi suất, thời hạn trả gốc, trả lãi v.v. từ đó đối chiếu với thu nhập để lên các kịch bản trả nợ như ngắn hạn, trung hạn hoặc dài hạn (trả hết nợ trong bao lâu)
- Tìm hiểu mua đất xây nhà, cần quan tâm đến giá cả, diện tích để xem mua đất xong còn tiền xây nhà không? Nếu không còn tiền thì có hoãn việc xây dựng lại được không? Có thể làm công trình tạm để dợi tích lũy thêm tiền bạc không? Quy hoạch khu vực đòi hỏi những điều kiện gì về quy mô, diện tích xây dựng, từ đó ước lượng chi phí cho xây nhà để đối chiếu với nguồn lực tài chính của mình.
- Bước tiếp theo là hoạch định sơ bộ việc xây nhà như hình thức nhà gia đình mong muốn so với yêu cầu quy hoạch (có thể tìm hiểu để xây nhà không nhất thiết cứ phải khung cột, tường xây, mái bằng, nên cân nhắc các hình thức xây dựng khác như nhà khung thép, lắp ghép sàn, tường hoặc nhà kết cấu gạch, đá tại các địa phương sẵn loại vật liệu này v.v.). Tìm hiểu liệu có thể mua sẵn một số mẫu nhà tiền chế nào không, hay phải thiết kế rồi xây dựng công trình riêng cho nhu cầu của mình. Một số mẫu nhà tiền chế đã bắt đầu hiện với giá cả và thiết kế khá linh hoạt, đáng tìm hiểu để quan tâm. Nếu định thiết kế và thi công lấy ngôi nhà cho mình thì có thể tìm hiểu các hình thức kiến trúc mình thấy yêu thích và phù hợp để tìm hiểu, chọn lựa. Có thể tự mình thiết kế lấy nhà hoặc thuê các đơn vị thiết kế, hoặc mua các thiết kế điển hình hiện cũng đã khá phổ biến trên thị trường.
- Trên cơ sở thiết kế của ngôi nhà tiến hành tính toán các chin phí cho việc xây dựng nên ngôi nhà thực từ bản vẽ. Thông thường các gói thiết kế hoàn chỉnh đã bao gồm phần dự toán đã cung cấp con số chi tiết cho việc xây dựng. Tuy nhiên chủ nhà cũng nên kiểm tra, đối chiếu lại với thực tế như giá cả vật liệu, nhân công, chi phí xin phép, chuẩn bị mặt bằng v.v. Càng trù liệu được nhiều vấn đề đi kèm với chi phí cần thiết thì càng chủ động trong việc xây dựng về sau.
Thực tế xây dựng còn nhiều vấn đề, thay đổi theo thời gian và theo địa phương, rất mong các ý đóng góp cho vấn đề này từ bạn đọc.