Ngôi nhà tre sống chung với thiên tai ở Việt Nam
Làm bằng vật liệu sẵn có trong tự nhiên, ngôi nhà rộng chừng 50 m2 có giá thành khoảng 50 triệu đồng và thi công trong vòng 25 ngày, phù hợp với người dân vùng lũ lụt, nơi thường xuyên xảy ra thiên tai.
Kiến trúc ngôi nhà được neo, giằng liền khối, đủ sức để có thể chống chọi thiên tai, vượt mức nước lũ cao 1,5 m. Công trình không dùng đến móng xây mà có khung giằng chéo giữ ổn định và nâng sàn cao 1,5 m để tránh lũ. Người ở sẽ bao che cho ngôi nhà tùy theo khí hậu và vật liệu tự nhiên sẵn có nhưa phên nứa, cót ép, lá dừa, phù hợp với khả năng thu nhập và tạo nên đặc trưng kiến trúc của địa phương.
Không gian rộng 44 m2 (khi đóng) và 62 m2 (khi mở) tiện dụng cho một gia đình (6 người) chung sống với thiên tai. Nó có đầy đủ công năng cần thiết cho một gia đình, gồm phòng khách, bếp, khu vệ sinh, giặt phơi, phòng học, không gian thờ tự và nơi ngủ. Hệ thống bể lọc, xử lý nước bên dưới nền nhà để tận dụng nguồn nước mưa và tái sử dụng nước sinh hoạt, cung cấp nước sạch để dùng khi ngập lụt.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Thành, Phó khoa Kiến trúc, ĐH Kiến trúc Hà Nội nhận định, nhà bằng tre không phải là cách làm mới nhưng ý tưởng về ngôi nhà bằng tre có thể xây dựng nhanh chóng và ít tốn kém, dành cho người dân nghèo ở các vùng thường xuyên bị thiên tai thì khá mới và hướng tới mục tiêu nhân văn.
Cũng theo ông Thành, ngôi nhà cần có sự kiểm nghiệm trực tiếp trong điều kiện bão lũ thực tế để đảm bảo an toàn tối đa cho người dân, cũng là để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, các cấp lãnh đạo.