Hiểu bản vẽ kỹ thuật để quản việc xây nhà tốt hơn
Một trong những yếu tố quan trọng giúp người chủ nhà xây được ngôi nhà đẹp, hợp ý mình là đọc hiểu bản vẽ thiết kế. Việc hiểu thấu đáo bản vẽ giúp cho việc :
. Chủ động với nhà thầu xây dựng,
. Quản lý được vật tư, nhân lực, chi phí,
. Giám sát việc xây lắp đúng như ý đồ thiết kế.
Vậy các cách đọc hiểu bản vẽ như thế nào cho hiệu quả nhằm đạt được các lợi ích nêu trên?
1. Nắm rõ các thông tin cơ bản :
Đọc một hồ sơ bạn nên tưởng tượng như mình đi thăm nhà một người mới quen. Đầu tiên phải tìm lối vào, rồi xem mối liên hệ giữa các không gian, phòng ốc. Đặt ra một số câu hỏi để kiểm tra tính hợp lý của thiết kế: Lối vào đặt chỗ này có thuận tiện không? Có khiến việc đi vào các phòng / không gian khác được thuận lợi không? Cầu thang đặt chỗ này đã tiện lợi nhất chưa (so với nhu cầu cụ thể của nhà mình) Khu WC làm thế này đã đủ chức năng, công suất cho nhà mình chưa?
2. Hiểu các ký hiệu để “đọc” được bản vẽ:
Một cách nôm na, bản vẽ kiến trúc có thể hiểu như việc dùng cưa “cắt” qua ngôi nhà phía trên mặt nền độ 1-1,5m.
- Chúng ta sẽ thấy các thành phần bị lưỡi cưa cắt qua như tường, cột khi thể hiện trên bản vẽ sẽ có nét vẽ đậm.
- Các thành phần sau khi bị dỡ bỏ phần bị cắt phía trên khiến ta nhìn thấy sẽ được thể hiện bằng nét vẽ thông thường, gọi là nét thấy. Các thành phần này có thể là bậu cửa sổ, bệ bếp, các bậc thang v.v.
- Các thành phần thuộc phần bị bóc bỏ phía trên hoặc chìm dưới lớp nền/ sàn nhà sẽ thể hiện bằng các nét vẽ đứt đoạn, trông như đường chỉ may quần áo, gọi là nét khuất. Ví dụ về các nét này là các bậc thang phía trên, tủ bếp hoặc bể nước ngầm, bể phốt.
- Các trục kết cấu, tim tường được vẽ bằng các nét đứt đoạn xen với các chấm nhỏ, gọi là tim trục. Nét vẽ này thường mảnh, dùng chủ yếu để xác định các bước, nhịp kết cấu để tính toán và để triển khai xây dựng sau này.
Khi quan sát bản vẽ kỹ thuật thì cần xem nét cắt để mường tượng ra phạm vi các không gian. Ví dụ xem tường bao để biết các phòng có kích thước dài rộng ra sao. Tiếp đến là xem các nét thấy, rồi mới đến nét khuất. Nét tim trục chỉ mang tính tham khảo cho người không làm kỹ thuật.
3. Các thành phần bản vẽ chính của một hồ sơ thiết kế nhà:
- Mặt bằng các tầng: là bản vẽ cắt qua tầm cao độ 1-1,5m tại các tầng để thể hiện các không gian theo phương nằm ngang, xem mặt bằng giúp ta hiều được thứ tự, mối liên hệ, kích thước, bố trí của các phòng, không gian, đồ đạc. Có thể nói bản vẽ mặt bằng là quan trọng bậc nhất.
- Mặt cắt: cắt tòa nhà theo phương đứng để thể hiện các thông tin về chiều cao, vị trí các vết cắt được chỉ rõ trên mặt bằng với các tên gọi như kiểu A-A, B-B hoặc 1-1, 2-2
- Mặt đứng: vẽ các nét thấy khi quan sát các phía xung quanh nhà để minh họa các thành phần mặt ngoài nhà như tường, cửa đi, cửa sổ, ban công…
- Các bản vẽ chi tiết như: cửa, cầu thang, vệ sinh, ban công, mái, chi tiết đặc biệt…
- Các bản vẽ kết cấu cho thông tin về cách xây/đổ móng, cột, dầm (đà), sàn nhà như thế nào, bao gồm các vật liệu gì, số lượng, quy cách v.v.
- Các bản vẽ điện, cấp-thoát nước, thông tin liên lạc, điều hòa…