Hiểu kích thước trên bản vẽ thiết kế
Mỗi bản vẽ thiết kế là một hình thu nhỏ của thực tế theo một tỷ lệ nào đó. Ví dụ khi thấy một bản vẽ ghi “tỷ lệ 1:100” thì ta sẽ hiểu là bản vẽ này là hình thu nhỏ lại 100 lần của ngôi nhà trong thực tế, hay nói một cách khác, mỗi 1cm (10mm) trên bản vẽ sẽ tương đương với 1m (1000mm) trên thực tế.
Trên bản vẽ, KTS thường đánh kích thước vào các đối tượng quan trọng, thường là tường, cửa đi, cửa sổ, cột v.v. Các đường kích thước này thường được đánh nối tiếp nhau trên một đường thẳng để dễ theo dõi. Thông thường một bản vẽ sẽ có các đường đánh kích thước phía “ngoài” ngôi nhà dùng để ghi kích thước các đối tượng trên tường bao ngôi nhà (như tường, hốc lõm, cửa đi, cửa sổ v.v.), các trục kết cấu và kích thước tổng. Ngoài ra còn có các đường kích thước đánh phía “trong” ngôi nhà để ghi kích thước các dối tượng bên trong như tường nội thất, cửa đi, khu WC, bếp, cầu thang v.v.
Kích thước bản vẽ nhằm cung cấp thông tin cho:
- Chủ nhà: hiểu được ngôi nhà sắp xây của mình sẽ có quy mô, kích thước đến đâu, mình sẽ được sống trong không gian thế nào, cao, rộng bao nhiêu mét. Điều này đòi hỏi khả năng tưởng tượng từ bản vẽ ra không gian. Một số thiết kế kỹ lưỡng, nhiều công sức có cung cấp nhiều ảnh không gian 3 chiều minh họa giúp chủ nhà tưởng tượng ra không gian nhà tương lai một cách vô cùng chính xác. Tuy nhiên, không phải mọi bản vẽ đều có thể được làm kỹ lưỡng như vậy mà chỉ có các con số “khô khan” trên các bản vẽ đen trắng với toàn hình ký hiệu mà thôi. Trong trường hợp này, chủ nhà cần phát huy trí tưởng tượng. Ví dụ, khi đọc được kích thước phòng ngủ là 3,6×4,5m chả hạn, chủ nhà nên có các so sánh với các kích thước mình đã quen thuộc như phòng ngủ hiện tại của nhà mình là 3x3m và cảm thấy khá chật chội, nếu thêm được chiều 3m lên 60cm thành 3,6m là mình có thể kê giường như cũ mà cuối giường còn thừa đến 1,5m so với hiện tại có 90cm đang cảm thấy khá chật chội, rồi chiều dài tăng lên 1,5m so với hiện tại cho phép mình kê thêm bộ ghế ngồi đọc sách, suy tư bên cửa sổ căn phòng v.v. Với những tưởng tượng, suy nghĩ như vậy chủ nhà sẽ có những phản bác xác đáng cho người thiết kế, tránh được những cuộc tranh luận không hồi kết với những lý do vô cùng chung chung, cảm tính như “tôi thấy thế vẫn chật, chưa đủ” hoặc “sao phải làm rộng quá thế này?!”
- Nhà thầu: phải dựa vào kích thước để tính toán khối lượng xây dựng để lên dự toán kinh phí và quản lý công tác xây dựng sau này.
Một số kích thước phổ biến trong kiến trúc: các bản vẽ mặt bằng, mặt cắt, mặt đứng thường có tỷ lệ 1:100; các bản vẽ cửa, WC, cầu thang hay có tỷ lệ 1:50 còn các chi tiết trang trí, chi tiết bậc thang, hoa sắt hay có tỷ lệ 1:20, 1:10 v.v.
Biết cách đọc kích thước bản vẽ là một khâu quan trọng trong việc hiểu toàn bộ bản vẽ thiết kế. Thông qua cách ghi kích thước bản vẽ cũng phần nào đánh giá được chất lượng thể hiện bản vẽ. Một bản vẽ tốt thường có các kích thước ít nhất nhưng đầy đủ thông tin (các đối tượng được ghi kích thước đầy đủ, không thiếu và không thừa làm rối bản vẽ). Hiểu cách đọc kích thước là đã hiểu tương đối thấu đáo nội dung của bản vẽ thiết kế rồi.