Gác lửng và nhà lệch tầng
Gác lửng là một giải pháp tạm thời để tăng diện tích sử dụng trên một mặt bằng và chiều cao hạn chế. Người ta thường xây nhà một tầng có chiều cao tầng khoảng 5,4m-6m. Một phần của mặt bằng này sẽ được làm gác lửng (hay còn gọi là gác xép) chia đôi chiều cao tầng ra thành 3m+2,4 đến 3m chiều cao mỗi tầng. Giải pháp này giúp tiết kiệm chi phí xây dựng ban đầu để dành tiền xây sau. Vấn đề là nếu có dự trù trước, việc thêm tầng sau này vẫn có thể sử dụng gắc lửng mà không phải phá đi để lên tầng.
Nếu giữ gác lửng lại để lên tầng, việc xây nhà lệch tầng sẽ hay được nghĩ đến. Nôm na là từ tầng 1 đi 1 vế thang lên gác lửng, từ đó đi tiếp moojt vế thang nữa để lên tầng 2 của phần thông tầng khi còn gác lửng, rồi lại đi thêm 1 vế thang nữa để lên tầng trên của gác lửng. Cứ thế sẽ hình thành kiểu thiết kế lệch tầng, kiểu trước 2 tầng, sau 3 tầng.
Thiết kế lệch tầng rất phổ biến trong một thời gian trước. Nay kiểu thiết kế này ít thấy được áp dụng do các nhược điểm như: i) hai phần lệch nhau không thể cùng sử dụng vệ sinh, không gian sinh hoạt chung ở cùng một tầng, một nửa sẽ phải đi một vế thang xuống hoặc lên để sử dụng. Điều này vừa bất tiện vừa gây ảnh hưởng đến giao tiếp của mọi người trong nhà; ii) không gian sinh hoạt chung bị xé lẻ thành hai cốt khác nhau, vừa không đẹp, vừa hạn chế việc giao lưu của các thành viên trong gia đình.
Do đó không nên làm nhà kiểu lệch tầng. Phát triển tiếp từ nhà có gác lửng, ta có thể xây tiếp một vế thang nữa để lên một sàn cao hơn sàn gác lửng độ 1,8-2m. Sàn này sẽ rộng khắp mặt bằng nhà để từ đó tiếp tục lên thêm tầng nếu có nhu cầu mà không còn hiện tượng lệch tầng. Gác lửng lúc đó còn lại chiều cao độ 1,8 – 2 m sẽ được chuyển thành kho, phòng làm việc hoặc các chức năng không thường xuyên khác của ngôi nhà.