Đường đắp bằng túi đất

Hà Nội vừa tiến hành dự án thí điểm làm đường bằng túi đựng đất theo công nghệ của Nhật Bản. Công nghệ này không mới và đã được áp dụng ở nhiều nước, chủ yếu là các nước nghèo nơi nhân công lao động còn dồi dào. Đường được đắp bằng các bao tải đựng đất, phế thải xây dựng sau đó được đầm kỹ bằng búa gỗ, sau đó trải một lớp áo đường bằng đá dăm. Giá thành thi công đường kiểu này chỉ bằng 1/3 với cách làm truyền thống.

Thi công đường bằng túi đất ở Hà Nội

GS Kimura giải thích: vật liệu chính của nó là bao tải và đất, thậm chí là túi cũ qua sử dụng, gạch ngói cũ, phế thải xây dựng phổ biến khắp nơi. “Ở Nhật Bản gọi là công nghệ túi đất “Do – Nou”, mà khởi nguồn của nó là nhân dân dùng để chống nước tràn qua đập. Điểm ưu việt của nó là có thể dùng trong những đoạn đường mà không thể đưa máy móc hạng nặng vào được, không yêu cầu cao về công nghệ nên chi phí thấp và sử dụng hầu như hoàn toàn bằng lao động tại địa phương”, ông Kimura cho biết.

Về phương pháp thi công, đúng như lời ông Kimura nói, các sinh viên tình nguyện chỉ việc xúc đất, phế thải cho vào bao tải, buộc chặt lại và sắp lên mặt đường và dùng đầm đầm cho phẳng đều, sau đó, cho một lớp đất hoặc đá mịn phủ lên và tiếp tục đầm chặt để tạo mặt đường êm thuận. “Mấu chốt của công nghệ này là gia tăng cường độ chịu kéo của bao tải bằng phương pháp đầm, nên công việc đầm một cách cẩn thận là tối quan trọng. Nếu không có quá trình đầm thì không có lớp móng đường tốt”, chuyên gia này lưu ý. Dù phương pháp này hết sức đơn giản nhưng theo ông Kimura, cường độ chịu kéo của bao tải là 6kN/m, khả năng chịu tải có thể cho xe 25 tấn đi qua và tuổi thọ con đường có thể lên đến mười năm.

Trước đây chúng tôi đã đăng bài về công nghệ xây nhà bằng đất của Calearth, bài đăng tại đây, nay có thêm phương pháp gần tương tự nhưng để làm đường. Được biết đây mới là dự án thí điểm, Bộ giao thông sẽ nghiên cứu, đánh giá khả năng áp dụng rộng rãi ra các địa phương khác trong thời gian tới.

Architect - Urban planner - Development Specialist